KDMart
KDMart

Có chăng một gien gây béo phì?

Theo những thống kê gần đây, tỷ lệ bệnh béo phì đang ngày một gia tăng. Tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ này là 1/5 (tức cứ 5 người dân có 1 người có trọng lượng cơ thể vượt quá mức độ cho phép).

Đây là một tỷ lệ rất đáng lo ngại. Theo nghiên cứu từ Fitch Solutions Macro Research, Việt Nam là nước có tốc độ tăng nhanh nhất về số người béo phì trong thời gian 5 năm tính đến hết 2014. Trong khoảng thời gian này, số người có chỉ số sinh khối (BMI) trên 25 ở Việt Nam tăng 38%. Hiện, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam là 3,6%.

Béo phì là nguyên nhân thường gặp của nhiều bệnh như: cao huyết áp, đái tháo đường type 2, phình động mạch, tắc mạch não, tai biến mạch máu não…  Những bệnh này là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu hiện nay trên thế giới.

Cơ hội vận động... ngày càng ít

Một trong những nguyên nhân cơ bản đầu tiên của bệnh béo phì là tình trạng lạm dụng các loại thức ăn công nghiệp. Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen sai lầm trong ăn uống ăn các loại thức ăn có quá nhiều chất mỡ, đường và calorie như: khoai tây chiên, bánh kẹp hamburger, bánh pizza và các loại bánh ngọt.

Trong khi đó, công việc hàng ngày và những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thông tin, giao thông… làm cho nhiều người rất ít hoạt động: buổi sáng lái xe đến nơi làm việc, suốt ngày ngồi bên bàn làm việc hoặc sử dụng máy vi tính, tối về lại dán mắt vào xem truyền hình… cơ hội để vận động thật là ít ỏi.

Béo phì là một quan niệm khó đổi của người châu Á: béo lên là phát tướng và phát tướng đồng nghĩa với phát tài, phát lộc. Tôi có 2 cháu trai gọi bằng ông cậu, tuy mới 3 tuổi đã đạt tới 45kg. Thế nhưng, mẹ của cháu bé luôn sợ cháu xuống cân và liên tục bồi dưỡng cho cháu bằng những thứ sơn hào hải vị như cật chim cút, tinh hoàn gà…

Tuy nhiên, qua rất nhiều công trình nghiên cứu câu chuyện về một cơ thể béo phì vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Hàng ngày chúng ta vẫn thấy rằng có những người ăn nhiều như hạm mà cơ thể vẫn mảnh mai trong khi ông bạn hàng xóm lại chẳng ăn uống một tí gì cả mà người vẫn béo trục béo tròn. Trong cuộc sống chúng ta chắc hẳn có những câu hỏi: tại sao có những gia đình mà các thành viên đều bị béo phì trong khi gia đình khác mọi người vẫn giữ được thân hình thon thả? Tại sao lại có những người luôn cảm thấy ngon miệng khi ăn uống so với những người khác?

Có chăng một gien gây béo phì?

Gien “béo phì”

Năm 1994, nhà khoa học người Mỹ, tiến sĩ J.M. Friedmann đã công bố trên tạp chí Nature một công trình nghiên cứu lý thú: tiến hành nghiên cứu trên một số con chuột bị béo phì, ông thấy có sự khiếm khuyết của một loại gien gọi là gien “béo” và những con chuột mang gien này khó có thể ngưng ăn uống mặc dù dạ dày của nó đã không còn chỗ để chứa bất kỳ một thứ gì. Trong khi những con chuột bạn của nó, không bị khiếm khuyết về loại gien này lại ăn uống rất có chừng mực, luôn giữ được một thân hình lý tưởng và ông đã áp dụng những nhận xét trên vào con người.

Tại vùng biển Caribe, nơi có rất nhiều người mắc bệnh béo phì, tiến sỹ J.M. Friedmann cũng đã nhận thấy rằng: ở người, trên nhiễm sắc thể có những đoạn gien kiểm soát trọng lượng của cơ thể. Đây là một khám phá lớn của thập kỷ 90 thế kỷ trước, những gien này tổng hợp nên một hợp chất hóa học gọi là leptin.

Các nhà khoa học đều cho rằng leptin là chiếc chìa khóa để kiểm soát trọng lượng của cơ thể, nó là một loại protein được tổng hợp bởi các tế bào mỡ của dạ dày, mông và đùi… chất này được phóng thích vào máu để đi đến vùng dưới đồi của não, có một vùng điều hòa sự chuyển hóa của cơ thể. Tại đây leptin tác dụng như một sứ giả, nó ra lệnh cho vùng dưới đồi gia tăng, ngừng lại hay giảm đi cảm giác ngon miệng trong khi ăn uống. Nó cũng quyết định cảm giác no hay đói của chúng ta và mức sử dụng năng lượng của cơ thể ngày này qua tháng khác.

Nếu các tế bào mỡ phóng thích một số lượng lớn chất leptin, chúng ta sẽ mất đi cảm giác ngon miệng và hậu quả là sẽ sụt cân trông thấy.

Như vậy có nghĩa là, nếu chúng ta có nhiều leptin hơn nữa, chúng ta sẽ không ăn uống gì cả. Sự thật lại không như vậy.

Một nghiên cứu khác của Úc đã được thực hiện tại miền Tây Samoa, nơi có nhiều người béo phì nhất thế giới, đây cũng là nơi lý tưởng nhất cho các cuộc nghiên cứu về hiện tượng béo phì. Thoạt đầu nhóm nghiên cứu nghĩ, ở những người này có lẽ không có leptin, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi tiến hành định lượng leptin ở những người này điều làm ông bất ngờ nhất là hàm lượng leptin của họ lại rất cao, phụ nữ cao hơn nam giới. Cuối cùng chỉ có một giả thuyết được đưa ra có vẻ hợp lý nhất là leptin chỉ có nhiệm vụ truyền đến não khẩu lệnh: “hãy trở nên thanh mảnh” và công việc đi tìm câu trả lời cho việc tại sao tuy có quá nhiều leptin mà vẫn bị béo phì cho những người ở Tây Samoa là vô ích.

Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đang cố gắng để chế tạo ra những viên hoặc những ống thuốc tiêm leptin, nhằm nâng cao nồng độ leptin trong một nỗ lực lớn lao nhằm hoàn thiện cơ thể, chống lại bệnh béo phì và những tác hại của nó. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay kết quả vẫn còn ở phía trước.

Trong khi chờ đợi loại thuốc diệu kỳ đó, phương thức hữu hiệu nhất cho chúng ta vẫn là: ăn uống có điều độ, hạn chế tối đa các loại thức ăn công nghiệp, thức ăn nhanh, giảm các loại thức ăn có nhiều chất béo, đường, ăn nhiều loại thức ăn tươi, rau xanh và trái cây tươi. Đặc biệt có một chương trình hoạt động thể lực hợp lý.

TTƯT.PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM

Bạn đang xem: Có chăng một gien gây béo phì?
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline Hotline: 088-869-6839
x